Đà Nẵng : 21-11-2024 Mục đích và nội dung hoạt động của Trường Chuyên Biệt Tương lai là nhằm đề cao quyền và sự tham gia của thanh thiếu niên khiếm thính và gia đình họ, để họ có thể phát triển đầy đủ tiềm năng và hòa nhập vào cộng đồng xã hội
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Phân công nhiệm vụ năm học
Cơ sở vật chất
Kế hoạch công tác
Thông tin - thông báo nội bộ
Lời ngỏ
Hoạt động Chi bộ
Hoạt động Công đoàn
Hoạt động đoàn đội
Tin tức sự kiện
Hoạt động chăm sóc-giáo dục
Hướng nghiệp dạy nghề
Can thiệp sớm
Đào tạo bồi dưỡng
Trao đổi kinh nghiệm
Thời khóa biểu
Kết quả học tập
Hoạt động ngoại khóa
Tấm gương sáng
Bài giảng điện tử
Từ điển hình ảnh
Can thiệp sớm
Chẩn đoán - Đánh giá trẻ khuyết tật

CHẨN ĐOÁN - ĐÁNH GIÁ TRẺ KHUYẾT TẬT TRÍ TUỆ - TRONG GIAI ĐOẠN CAN THIỆP SỚM

1. Nguyên tắc chung:
1.1 Tổ chức chẩn đoán:
Khi tổ chức chẩn đoán – Phân loại trẻ chậm phát triển (CPT) phải thành lập hội đồng, các thành viên trong hội đồng phải là những người chuyên ngành về y tế và những người chuyên ngành về tật trí tuệ. Bao gồm:
- Bác sĩ chuyên ngành thần kinh.
- Chuyên gia về tật CPTTT (Giáo viên chuyên ngành hoặc giáo viên đã qua tập huấn CPTTT).
- Cán bộ quản lý cấp trường hoặc sở làm chủ trì.
1.2 Tiến hành chẩn đoán :
- Phải dựa trên các dữ liệu thu thập được trên trẻ, những dữ liệu đó phải thật khách quan – trung thực về tật của trẻ.
- Chẩn đoán sư phạm phải dựa trên cơ sở của việc chẩn đoán về y học (đặc biệt về hoạt động hệ thần kinh cao cấp của trẻ)
- Phải nghiên cứu kỹ bệnh lý và tìm hiểu về tiền sử của trẻ thông qua cha mẹ hoặc người đỡ đầu.
- Khi chẩn đoán phải làm trực tiếp với bố mẹ và đối tượng HS cần chẩn đoán. Đối tượng cần có đầy đủ hồ sơ.
- Phải ghi chép thật đầy đủ vào biên bản và mẫu chẩn đoán để báo cáo và hồ sơ lưu.
2. Hướng dẫn phương pháp chẩn đoán:
Việc phát hiện HS mắc các tật thính giác, thị giác, vận động, ngôn ngữ tuy có phức tạp nhưng còn dễ dàng hơn. Phát hiện HS có tật trí tuệ ở mức độ nhẹ thì rất khó. Như đã nêu ở trên các trẻ em này về hiện tượng đôi khi rất dễ nhầm lẫn với các em học kém bởi các nguyên nhân khác. Để làm tốt việc chẩn đoán cần thông qua 2 bước:
- Chẩn đoán về y học và chẩn đoán về sư phạm.
2.1 Chẩn đoán y học
Việc chẩn đoán y học do các bác sĩ chuyên ngành thần kinh và tâm thần thực hiện (có thể kèm theo các bác sĩ đa khoa). Phát hiện các bệnh mà trẻ mắc phải: Nội nhi, tai mũi họng, răng hàm mặt, vận động, thần kinh TW. Trong đó phần thần kinh TW là cần thiết cho bước chẩn đoán tiếp theo (xác định sự tổn thất thực thể não bộ) - Phần khám y học có thể làm trước khi chẩn đoán sư phạm. Tuỳ theo từng hoàn cảnh của địa phương có thể mời y tế đến cùng làm việc với chẩn đoán sư phạm (phải lập hồ sơ về y học).
2.2 Chẩn đoán sư phạm
- Chẩn đoán sư phạm được tiến hành theo các phương pháp sau đây:
a) Phương pháp quan sát: quan sát các hoạt động vui chơi, lao động và học tập của trẻ đã được nhiều nước áp dụng trong chẩn đoán.
b) Phương pháp tìm hiểu tiền sử thông qua y bác sĩ. Cha mẹ HS hay người đỡ đầu.
c) Phương pháp đối thoại trực tiếp với đối tượng bằng các hệ thống câu hỏi và bài tập được chuẩn bị trước theo mẫu chuẩn (còn gọi là bộ test). Dưới đây là sự hướng dẫn khái quát cách thực hiện các phương pháp nêu ở trên.
- Cách quan sát đối tượng được tiến hành khi trẻ sinh hoạt và lao động trong gia đình. Cán bộ chẩn đoán đến từng gia đình đối tượng để quan sát các sinh hoạt, đối xử của trẻ với các thành viên trong gia đình và khách. Quan sát trẻ làm việc giúp cha mẹ, trẻ học ở nhà. Có thể đàm thoại với bố mẹ để hiểu biết thêm về trẻ.
- Quan sát trẻ khi đến trường: quan hệ của trẻ với bạn bè và thầy cô. Trẻ vui chơi ở trường, nếu quan sát trẻ trong giờ học phải có sự thống nhất với nhà trường. Có thể đàm thoại với giáo viên để hiểu rõ thêm về trẻ
Công việc này có thể làm nhiều lần và đều phải ghi lại các nhận xét đã quan sát được
Việc tìm hiểu tiền sử bệnh lý, cán bộ chẩn đoán làm việc trực tiếp với các y bác sĩ, xem hồ sơ bệnh lý và làm việc trực tiếp với cha mẹ đối tượng, với cha mẹ đối tượng cần tìm hiểu:
- Gia đình nội ngoại có ai mắc bệnh TK hoặc tâm thần.
- Xem xét thời kì bà mẹ mang thai sức khoẻ ra sao? Có dùng thuốc kháng sinh không? Thuộc loại gì? Có bệnh tật gì trầm trọng? Có nghiện hút gì không? xem xét thời kì sinh đẻ dễ hay khó? Lâu hay mau? Có dùng pok sét không? Thời kì sau khi sinh trẻ phát triển ra sao? Có bị bệnh gì không? Có dùng kháng sinh nhiều không? Trẻ có sốt cao co giật nhiều lần không? Bao tuổi trẻ biết đi? biết nói?... sự học tập của trẻ ở gia đình?
- Khi làm việc trực tiếp với đối tượng cần xem xét các mặt sau:
a) + Trạng thái ngôn ngữ của trẻ.
Cần xem xét cơ quan cấu âm và cơ quan phát âm:
- Cơ quan cấu âm gồm lồng ngực, phổi, cuốn phổi, thanh quản, vòm miệng.
- Cơ quan phát âm gồm vòm họng, lưỡi, hàm răng, môi, thanh quản…
- Xem xét vốn từ vựng (phát hiện vốn từ giàu hay nghèo)
- Xem xét khả năng ngữ pháp và sự hiểu nghĩa từ.
b) + Khả năng giao tiếp
- Xem xét các sinh hoạt vui chơi, cách quan hệ với mọi người xung quanh (mạnh dạn, cởi mở hay e dè, sợ sệt ...)
c) Nghiên cứu các sản phẩm học tập và khả năng học tập ở 2 môn toán và tiếng việt.
- Xem sách vở học sinh.
- Tìm hiểu khả năng đọc, viết.
- Tìm hiểu khả năng tính toán.
3. Cách tiến hành kiểm tra một học sinh
Cán bộ làm chẩn đoán phải nắm vững được chuyên môn thông qua các lớp tập huấn. Khi làm việc với đối tượng cán bộ kiểm tra phải tập làm quen với trẻ, thái độ phải thật cởi mở, khéo léo để trẻ không thấy có sự ngăn cách, trẻ dễ hoà nhập.
Cần phải có từ 2-3 cán bộ điều tra cùng làm việc. Trong đó một cán bộ phụ trách việc ghi chép, một làm với cha mẹ học sinh, một cán bộ lảm trực tiếp với học sinh.
Khi làm việc với phụ huynh (tốt nhất là mẹ) chủ yếu tìm hiểu về tiền sử bệnh lý của trẻ thông qua 3 giai đoạn như nêu ở phần trên.
Phần làm với đối tượng chủ yếu kiểm tra các mặt hoạt động nhận thức, sao cho các em có thể cộng tác để thể hiện rõ mọi năng lực của mình. Đó là điều cần và để đem lại kết quả tốt cho việc đánh giá xếp loại.
Có 2 phần kiểm tra sư phạm cần làm là:
- Kiểm tra về tiền sử
- Kiểm tra về các mặt hoạt động nhận thức.
a) Kiểm tra về tiền sử:
Phần kiểm tra tiền sử trẻ được ghi rất rõ trong phiếu chẩn đoán. Căn cứ vào các mục ghi trong mẫu mà cán bộ chẩn đoán đặt câu hỏi để cha mẹ hoặc trẻ tự trả lời – cán bộ chẩn đoán phải ghi thật đầy đủ, thật trung thành ý kiến phụ huynh vào mẫu chẩn đoán.
b) Kiểm tra các mặt hoạt động nhận thức.
Khi tiến hành kiểm tra các mặt hoạt động nhận thức cán bộ kiểm tra về các mặt sau đây và ghi vào mục đã ghi trong phiếu:
- Sức khoẻ của trẻ: nhìn trạng thái sức khoẻ bề ngoài và sự phát triển cơ thể có được cân đối hay không (to khoẻ hay gầy yếu).
- Các cơ quan động vật: xem cử động các chi để phát hiện tật vận động.
- Các cơ quan phát âm (như nêu ở phần kiểm tra ngôn ngữ).
- Các phản xạ có thể: phản xạ mắt, đầu gối, phản xạ thần kinh…
- Nếu trong kiểm tra học sinh có đặc điểm gì thì ghi vào phiếu.
- Kiểm tra về các mặt hoạt động nhận thức bao gồm:
+ Kiểm tra các quá trình tâm lý như tư duy, trí giác, trí nhớ tưởng tượng.
- Các hoạt động nhận thức như kiểm tra khả năng đọc, khả năng viết, khả năng tính toán. Phần kiểm tra các hoạt động tâm lý và nhận thức cán bộ chẩn đoán phải tuân theo một hệ thống bài tập và mẫu thực hành qui định gọi là bộ “ TEST ”.
c) Quan sát trẻ trong giờ học, giờ chơi và các hoạt động ở gia đình (Theo dõi phát hiện hành vi và các hoạt động trạng thái của tâm lý trẻ).
4. Các bài tập dùng để kiểm tra học sinh.
a) Để việc chẩn đoán phân loại được chính xác có nhiều hình thức kiểm tra. những hình thức đó có thể dùng các “Test”. Bộ “Test” dùng để kiểm tra các mặt hoạt động nhận thức bao gồm các hệ thống câu hỏi, các mẫu vật, các bài toán, các loại màu sắc, tranh ảnh, hoặc các bộ mẫu ghép hình phần phụ chương 2 dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn cách làm tập “Test”. Nếu điều kiện cho phép thì các bộ “Test” sẽ được xuất bản để cung cấp cho các địa phương.
b) Hệ thống bài tập chẩn đoán:
Bài tập 1: Kiểm tra tật ngôn ngữ
- Cho học sinh phát âm một số âm tiết
- Đọc hoặc kể một câu chuỵện
- Nhắc lại một số từ.
Bài tập nhằm phát hiện các tật ngọng, lắp…
Bài tập 2: Kiểm tra về nhận biết màu sắc:
- Dùng bằng chỉ thị gồm màu xanh, đỏ, tím, vàng, đen, trắng.
Kiểm tra sự nhận biết và khả năng phân biệt màu sắc phát hiện bệnh mù màu sắc.
Bài tập 3: Kiểm tra vốn từ và hiểu ý nghĩa của từ.
- Dùng các bộ tranh các con vật, các dụng cụ gia đình, tranh vẽ phong cảnh quê hương đất nước, tranh về thực vật…
Bài tập phát hiện sự giàu, nghèo vốn từ ở trẻ. Khi kiểm tra từng tranh riêng lẻ, hỏi và học sinh trả lời ghi lại số từ các em biết và không biết.
Bài tập 4: Kiểm tra khả năng sử dụng ngữ pháp.
Trong ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.
- Cho trẻ tập đặt một câu đơn giản với các từ cho trước hoặc điền vào ô trống trong một câu.
- Viết một vài câu theo chủ đề.
- Kể một mẫu chuyện nhỏ mà học sinh biết
- Kể chuyện theo tranh.
Bài tập nhằm phát hiện khả năng sử dụng ngữ pháp của học sinh.
Bài tập 5 - Kiểm tra khả năng tính toán.
- Kiểm tra hệ đếm thập phân từ 1 – 10 và 10 – 20 đếm xuôi và đếm ngược lại.
- Kiểm tra khả năng giải các bài tập toán (trong phạm vi đã học, chủ yếu 4 phép tính số nguyên) các bài tập này mang tính bắt buộc mỗi học sinh kiểm tra đều làm theo một loại bài tập.
Bài tập 6: kiểm tra các trạng thái tâm lý đấy là công việc cơ bản và khó khăn.
a) Kiểm tra về tư duy dùng “ Test”
- Sự loại ra vật thể (nghiên cứu khả năng khái quát)
- So sánh khái niệm (nghiên cứu dấu hiệu so sánh)
- Sự phân loại vật thể (nghiên cứu khả năng phân tích)
- Tính liên tục các sự kiện (khả năng định hướng và sự nhanh nhạy của tư duy)
- Sự liên tưởng (nghiên cứu khả năng liên tưởng và sự tư duy bằng lời)
b) Kiểm tra về tri giác (dùng test)
- Nhận biết nhanh vật thể trên một bức tranh (phát hiện độ nhanh nhạy của tri giá)
- Nhận biết nhanh màu sắc và hình dạng vật thể (phát hiện khả năng phân tích màu sắc)
- Quan sát quang cảnh thiên nhiên hoặc bức tranh có cốt truyện hấp dẫn (nghiên cứu khả năng phân biệt các dấu hiệu)
- Tìm nhanh các số (phát hiện độ nhanh nhạy của tri giác và khả năng định hướng)
- Kể chuyện cho học sinh nghe và học sinh kể lại (tìm hiểu khả năng nghe và mức độ ghi nhớ)
c) Kiểm tra trí nhớ (dùng Test)
- Học thuộc 10 từ (đánh giá tình trạng trí nhớ và tính tích cực của chú ý)
- Nhắc lại một câu (Kiểm tra khả năng ghi nhớ)
- Kể lại một chuỵện sau khi lắng nghe thầy đã kể (độ nhanh và khả năng ghi nhớ)
- Lắp mẫu hình theo khả năng hướng dẫn.
d) Kiểm tra trí tưởng tượng (dùng Test)
- Tranh 2 mặt người đối nhau (giữa là bình hoa)
- Vẽ các tranh có thể hình tượng và nhiều vật khác cho học sinh quan sát.
Nhằm kiểm tra sự tưởng tượng và sự liên tưởng
5. Tiêu chuẩn đánh giá và xếp loại mức độ tật trí tuệ thông qua chẩn đoán sư phạm.
Yêu cầu khi đánh giá và xếp loại tật:
- Căn cứ vào tiền sử
- Căn cứ vào nhận xét của giáo viên và kết quả nghiên cứu sản phẩm của học sinh.
- Căn cứ vào kết quả thực hiện các bài tập.
Xếp loại theo bài tập.
a) Loại nhẹ: đã được hướng dẫn kỹ từ 1-3 lần mà chỉ thực hiện dược 30% yêu cầu bài tập.
b) Loại nặng: đã được hướng dẫn kĩ từ 1-5 lần mà chỉ thừc hiện được 10% yêu cầu bài tập
c) Loại rất nặng: đã được hướng dẫn rất nhiều lần mà không thực hiển được yêu cầu bài tập mà chỉ đạt 2-3% yêu cầu.
d) Ngoài cách xếp loại như trên - để có thể thử lại cách xếp loại đó- trên thế giới còn một số nước vẫn sử dụng chỉ số trí tuệ để xếp loại gọi là “ IQ”. Xin giới thiệu dưới đây để cán bộ chẩn đoán tham khảo vận dụng khi kiểm tra lại việc xếp loại của mình:
Cách thử theo IQ
- Thoạt đầu hỏi những câu hỏi đúng với tuổi thực của trẻ.
- Trẻ trả lời tốt ta hỏi câu hỏi cao hơn câu hỏi thực để tìm tuổi trí tuệ. nếu hỏi mà trẻ trả lời kém ta hỏi các câu hỏi ở tuổi thấp hơn tuổi thực để tìm tuổi trí tuệ ở mức tối thiểu
6. Căn cứ vào quá trình tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ em.
6.1 Khái niệm chung về tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ em.
6.1.1 Tăng trưởng là sự lớn lên có sự liên quan tới sự tăng trưởng về trọng lượng, kích thước và chiều cao của trẻ.
6.1.2 Phát triển là sự thay đổi có liên quan đến chức năng trong các lĩnh vực.
a. Phát triển về vận động .
b. Phát triển về nhận thức (Nhận biết).
c. Phát triển về tình cảm.
d. Phát triển về ngôn ngữ.
e. Phát triển về kỹ năng tự phục vụ.
6.2 Các giai đoạn tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ em.
6.2.1 Giai đoạn từ 2-3 tuổi (nhà trẻ)
Thời kì 3 tháng
- Vận động: Trẻ nằm sấp, ngẩng đầu lên được. Nếu giữ trẻ ở tư thế ngồi đầu trẻ hơi lắc lư và ngả về phía trước.
- Nhận biết: Trẻ đã biết nhìn theo tay của chính nó. Biết quay đầu theo tiếng động, đặc biệt là giọng nói của người thân quen.
- Tình cảm: Trẻ biểu hiện hài lòng với nét mặt hớn hở.
- Ngôn ngữ: Phát ra âm thanh để trả lời gây chú ý của người khác.
- Sinh hoạt: Giữ được vật trong tay độ 1-2 phút
Thời kì 6 tháng
- Vận động: Nằm sấp, tự chống tay và nâng đầu khỏi mặt đất. Giữ trẻ ở tư thế ngồi lưng trẻ đã thẳng, đầu ổn định. Giữ trẻ ở tư thế đứng trẻ đã đứng trên 2 bàn chân.
- Nhận biết: Trẻ đã biết nhặt và đưa vào miệng. Biết tìm một vật sau khi đã buông vật đó ra. Biết bắt chước lè lưỡi.
- Tình cảm: Biết biểu hiện không hài lòng khi bị lấy mất vật trẻ đang giữ. Vươn người. tay đòi bế.
- Ngôn ngữ: Đã bập bẹ phát ra một vài âm vần đơn giản như mà, nu…
- Sinh hoạt: Biết uống nước bằng tách, cốc do người khác cầm.
Thời kì 9 tháng
- Vận động: Trẻ ngồi không cần giữ. Trẻ tự ngồi chơi với đồ vật. Thích dựa vào bàn ghế để đứng lên.
- Nhận biết: Khi gọi tên đã biết đáp ứng.
- Tình cảm: Biết biểu hiện vui khi hài lòng, tức giận lấy tay che mặt.
- Ngôn ngữ : Đã biết bắt chước âm thanh của người khác. Phát âm nhanh một số vần: ba ba.
- Sinh hoạt: Tự cầm thức ăn như tự ăn bánh kẹo…
Thời kì 1 năm
- Vận động : Đi men theo bàn ghế
- Nhận biết : Đáp ứng với mệnh lệnh đơn giản như dơ tay lên, chào tạm biệt. Biết dùng ngón tay trỏ để chỉ đồ vật .
- Tình cảm: Biết gây sự chú ý và cười khi thích thú.
- Biết xấu hổ khi có người lạ và bị người khác chê xấu.
- Ngôn ngữ: Nói được 2 – 3 từ .
Hiểu câu đơn.
Sinh hoạt : Biết đưa tay, chân để mặc quần áo.
Thời kỳ 2 tuổi:
- Vận động :Tự đứng dậy được không cần sự giúp đỡ của người khác .
Đã biết đi chập chững.
- Nhận biết: Trẻ đã biết bắt chước làm những công việc đơn giản như: lau nhà, rửa bát, rửa mặt…
- Biểu hiện giận dữ, vui buồn, hờn dổi, sợ hãi, ganh tỵ …
- Ngôn ngữ:
Học được thêm từ mới .
Nói được câu đơn giản 2-3 từ …
Sinh hoạt : Tự ăn.
Thời kỳ 3 tuổi:
- Vận động: Nhảy được qua vật thấp. Đứng được một chân vài giây.
- Nhận biết: Hỏi nhiều câu hỏi (thỏ thẻ như trẻ lên ba). Đếm được từ 1-10.
- Tình cảm: Bắt đầu tự tìm bạn. có lúc lại thích chơi một mình.
- Ngôn ngữ: Tăng từ vựng nhanh chóng. Dùng câu đã phức tạp hơn.
- Sinh hoạt: Biết tự mặc và cởi quần áo.
6.2.2 Giai đoạn từ 4-6 tuổi (mẫu giáo)
- Vận động: Đi vững vàng. Thích nhún nhảy bằng 2 chân. Thích nhảy múa theo âm nhạc.
- Nhận biết: Trẻ bắt đầu hỏi ít hơn. Đã biết giải thích từ ngữ, từ sự vật bằng cách rất thực tế đơn giản. Phân biệt đầy đủ rõ ràng các màu sắc thông thường.
- Tình cảm: Thích đi học. Thích được động viên ngợi khen.
- Ngôn ngữ: Lượng từ tăng, giàu và phong phú.
- Sinh hoạt: Tự tắm giặt được.
6.2.3 Giai đoạn từ 7-10 tuổi (cấp I)
- Đây là thời kì tiền dậy thì
- Trẻ thích chơi từng nhóm.
- Biết e thẹn
- Tính tò mò bắt đầu phát triển
- Một số đã xuất hiện tư tưởng ngại đi học đến trường thích tự do.
- Thích quan tâm cách cư xử của người lớn với nhau để bắt chước.
- Thích tập làm người lớn, làm thủ lĩnh.
6.2.4 Giai đoạn từ 13-15 tuổi (cấpII)
- Đây là thời kì dậy thì.
- Cân nặng và chiều cao phát triển nhanh. Đặc biệt là các em nữ. ngực phát triển nhanh.
- Trẻ hay thay đổi tính tình.
- Suy nghĩ chín chắn, thận trọng, cẩn thận. 
Từ các chẩn đoán và quan sát thu nhận những thông tin về đứa trẻ, chúng ta còn có thể so sánh các mặt phát triển của đứa trẻ với sự phát triển của đứa trẻ bình thường, để chúng ta có thể xác định tuổi khôn của nó. Khi xác định được tuổi khôn ( * ) chúng ta áp dụng công thức và tính được chỉ số IQ của đứa trẻ.
                                                                       Tuổi khôn
                                                      IQ =         ___________     X 100 (*)
                                                                       Tuổi thực (*)
(*) Tuổi khôn là sự nhận biết của trẻ hay còn gọi là sự phát triển trí tuệ của trẻ.
(*) Tuổi thực là tuổi lấy năm hiện tại trừ cho năm sinh (Theo giấy khai sinh của trẻ).
(*) 100 là chỉ số IQ của người bình thường.
Dựa vào sự phát triển bình thường của trẻ chúng ta có thể xác định được các lĩnh vực đứa trẻ bị thiếu hụt ở lĩnh vực nào trong các lĩnh vực:
a. Phát triển về vận động .
b. Phát triển về nhận thức ( Nhận biết ) .
c. Phát triển về tình cảm .
d. Phát triển về ngôn ngữ .
e. Phát triển về kỹ năng tự phục vụ .
Từ đó, dựa vào giáo trình “ Từng bước nhỏ một “ để chúng ta có các bài tập để rèn luyện các lĩnh vực bị thiếu hụt ở trẻ. Chúng ta biết rằng có những đứa trẻ bị thiếu hụt hoàn toàn các lĩnh vực nhưng cũng có những đứa trẻ chỉ thiếu hụt 1 vài trong lĩnh vực đó.
Những đứa trẻ thiếu hụt ở lĩnh vực nào, giai đoạn, nào thì chúng ta bắt đầu từ giai đoạn nó bị thiếu hụt mà rèn luyện đứa trẻ đi lên.
Chúng ta cũng có thể dụng giáo trình “Từng bước nhỏ một “ để kiểm tra lại mức độ chậm phát triển của trẻ.
Ví dụ: Cháu Nguyễn Anh Khoa tuổi thực 4 tuổi các lĩnh vực:
a. Vận động.
b. Nhận thức (Nhận biết).
c. Tình cảm.
d. Tự phục vụ .
Đều phát triển bình thường như những đứa trẻ bình thường khác ở 4 tuổi nhưng về ngôn ngữ đứa trẻ mới phát âm chỉ phát ra được những âm đơn như: a….ê….ma…. VV.
Như vậy chúng ta có thể nhận biết được kỹ năng ngôn ngữ chúng ta cần rèn luyện cho trẻ và so với bản sự phát triển của trẻ bình thường cháu Nguyễn Anh Khoa về kỹ năng ngôn ngữ chỉ bằng những cháu phát triển bình thường ở thời kỳ 9 tháng tuổi. Như vậy, chúng ta rèn luyện ngôn ngữ cho cháu từ 9 tháng tuổi trở đi.
Tương tự các lĩnh vực khác cũng vậy.
                                                                                                                                            Đà Nẵng tháng 3 năm 2008
                                                                                                                                               Tài liệu lưu hành nội bộ

 

 
  CÁC TIN KHÁC
Bộ phận Can thiệp sớm (08-04-2011 16:39:13)
 
MÁI TRƯỜNG MẾN YÊU
Bản quyền của Trường chuyên biệtTương Lai
Địa chỉ : 22 Trần Bình Trọng - Quận Hải Châu - Thành Phố Đà Nẵng
Điện thoại : 0511.3897388 *  Email : tuonglaisc@dng.vnn.vn