(Bà ngoại của bé Nguyễn Văn Quốc Bình)
Tôi thật sự không biết nói sao để bày tỏ lòng biết ơn đến cô giáo và trường Tiểu học Chuyên biệt Tương Lai, khi đứa con trai duy nhất trong gia đình tôi được đi học như bao trẻ bình thường khác.
Nhớ lại những ngày vô vọng trước đó, tôi thật đau buồn. Sau bao nhiêu ngày mong mỏi chờ đợi, để nghe cháu nói ra những âm thanh hồn nhiên ba ba, má má. Nhưng chúng tôi chỉ nhận được tiếng ú ớ, thái độ cáu kỉnh vì người nhà không đáp ứng hết các yêu cầu của cháu. Mẹ cháu rất thất vọng, còn ba cháu hay ngồi thừ ra hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Là bà ngoại cháu, tôi xót xa ôm cháu vào lòng mà không biết làm gì giúp cháu và nghĩ cháu bị câm rồi. Năm ấy Bình đã 3 tuổi.
Nhưng một điều may mắn đã đến với gia đình tôi, khi một tối nọ, tôi bắt được tin trên truyền hình là trường Tiểu học Chuyên biệt Tương Lai có chương trình Can thiệp sớm cho trẻ điếc câm dưới 4 tuổi. Suốt đêm cả nhà không ngủ được, 4 giờ sáng hôm sau chúng tôi đưa cháu đến trường khuyết tật Tiểu học Chuyên biệt Tương Lai cách nhà hơn 20km. Đã bước chân qua cổng trường rồi, khi tôi vẫn chưa dám nghĩ mình sẽ được giúp gì đây, thì các thầy cô đã ra đón tiếp rất niềm nở. Cô hiệu trưởng đã ân cần giải thích và hướng dẫn để bé Bình được nhận vào chương trình Can thiệp sớm của trường.
Từ đó bé Quốc Bình được hướng dẫn tập nghe, và tập nói và dần dần cháu bật ra âm ra tiếng. Tuy còn nghe chưa rõ nhưng những dấu hiệu đó đã khiến chúng tôi mừng rơi nước mắt. Tâm tính cháu không còn dễ cáu gắt, ngỗ ngược vì chúng tôi đã biết cách lắng nghe và kiên nhẫn tìm hiểu cháu muốn gì, qua các lời lẽ động viên, khen khích lệ cháu. Các cô giáo cũng thường ghé qua nhà thăm Quốc Bình trong những lần đi thăm nhà các trẻ trong chương trình. Mỗi lúc như vậy, bé Quốc Bình tha hồ trổ tài nói líu lo, bày trò để các cô thưởng kẹo và đồ chơi. Bây giờ đã học trường Mẫu giáo ở gần nhà, các bạn nhỏ đã cùng chơi, cùng học và cô giáo cũng rất quan tâm. Cháu đã biết đếm từ 1 đến 10, nói tên đồ vật, tên người thân, vẽ hình rất đẹp, nhưng chữ viết còn cẩu thả. Đặc biệt cháu vẽ rất nhanh, gần chính các sự vật được nhìn qua và nhất là thêm các chi tiết tùy ý; cháu thích nhất là vẽ nhà, đủ kiểu, chỉ tiếc ở quê không ai dạy vẽ để cháu phát triển năng khiếu này. Một lần các cô về thăm, cháu đã làm cả nhà ngạc nhiên, vì cháu phát âm một tràng : ông ngoại, bà ngoại, ba, má, chú út đi học. Các cô khen cháu tự đeo máy, tự điều chỉnh máy, là tôi có dịp cho các cô biết cháu rất thích đeo máy. Mỗi sáng, sau khi vệ sinh xong, cháu đeo máy vào rồi mới ăn sáng, ai đụng vào máy cháu không cho và nhẹ nhàng cất đi như sợ hư, bể của cháu.
Hiện nay mẹ cháu đã có em bé nên Quốc Bình càng quấn quýt bên tôi. Bây giờ, hai bà cháu trò chuyện cũng được nhiều câu ngắn tôi mong đến ngày cháu biết đọc biết viết rành rẽ. Và ước mơ cháu học hành đến nơi đến chốn có lẽ cũng không quá khó khăn, và tôi hiểu mình cần cố gắng thật nhiều. Tôi muốn san sẻ niềm vui này đến các gia đình có con cháu bị tật điếc như chúng tôi, và cũng mong các bạn hãy cố gắng gần gũi, giúp cháu sớm phục hồi như các trẻ em bình thường khác. Sau cùng, tôi không biết nói gì hơn là cảm ơn tổ chức đã lập ra Chương trình Can thiệp sóm và cám ơn các thầy cô ở trường Tiểu học Chuyên biệt Tương Lai đã mang lại cho gia đình tôi niềm hạnh phúc mà chúng tôi ngỡ không bao giờ có được.